Bánh đúc lạc là một trong những món bánh truyền thống của Việt Nam. Món ăn này in sâu trong ký ức của nhiều người mỗi khi nhớ tới phiên chợ quê. Bánh đúc lạc có thể ăn sáng, ăn trưa hay làm bữa xế chiều đều rất ngon. Nguyên liệu và cách làm bánh đúc lạc cũng khá đơn giản. Bạn có thể thử làm bánh đúc lạc ngay tại nhà với công thức mà Bếp bánh Tiny chia sẻ dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Đôi nét về bánh đúc lạc – Món ăn giản dị của người Việt
Bánh đúc lạc là một món ăn bình dị, quen thuộc trong các phiên chợ quê của những tỉnh thành phía Bắc. Món ăn tưởng chừng như “nhạt nhẽo” ấy lại là một trong những món bánh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ngày còn bé có ai từng ngồi ngóng chờ bà, mẹ đi chợ về để mua cho 1 chiếc bánh đúc lạc để ngồi nhâm nhi cùng những đứa trẻ hàng xóm?
Bánh đúc lạc không có nhân bên trong, chỉ được làm từ bột gạo và lạc nhưng lại tạo nên hương vị béo ngậy, mềm mềm quyện với vị ngọt bùi của lạc chấm thêm mắm cáy hay tương bần tạo nên hương vị vô cùng trọn vẹn. Đó là kí ức ẩm thực khó phai trong lòng nhiều người.
Bánh đúc lạc được bán nhiều tại các phiên chợ quê hay cả những gánh hàng rong trên hè phố. Vì vậy bạn có thể tìm lại những “kí ức ẩm thực” này rất dễ dàng. Nhưng bạn đã bao giờ thử tìm hiểu về cách làm của món bánh này chưa? Lần này hãy thử vào bếp học cách làm bánh đúc lạc thử xem có giống với hương vị bạn từng thử không nhé.
Nguyên liệu làm bánh đúc lạc cực hấp dẫn
- Lạc (đậu phộng): 100gr
- Bột gạo lọc: 125gr
- Bột khoai tây: 125gr
- Tương bần: 2 thìa cà phê
- Đường: 1 thìa cà phê
- Muối: 1 thìa cà phê
- Nước cốt chanh: 1 lượng nhỏ khoảng 5 giọt
- Dầu ăn: 1 thìa canh
- Nước: 1 lít
- Nước ấm: 3 thìa cà phê
- Lá chuối hoặc khuôn bánh
- Dụng cụ chế biến: bát tô, thìa, đũa, nồi,…
Phần bột gạo để làm bánh đúc lạc bạn có thể mua sẵn tại các của hàng tạp hoá. Nếu không mua được bạn có thể tự làm ở nhà bằng cách ngâm gạo rồi đem đi xay nhuyễn mịn thành bột để làm bánh đúc lạc.
Cách làm bánh đúc lạc ăn chuẩn vị truyền thống
Bước 1: Nấu chín lạc
Lạc mua về bạn nhặt bỏ những hạt sâu hỏng, sạn sau đó cho lạc vào ngâm trong chậu nước lạnh khoảng 5 giờ đồng hồ. Bạn cũng có thể ngâm lạc qua đêm ở nhiệt độ phòng để tiết kiệm thời gian chờ đợi nhé. Sau 5 giờ bạn lạc đã ngâm ra rổ, rửa lại lạc thật sạch với nước.
Tiếp theo là nấu chín lạc. Chuẩn bị chiếc nồi sạch cho toàn bộ số lạc đã rửa sạch vào nồi, đổ nước ngập bề mặt lạc. Đặt nồi lạc lên bếp, tiến hành luộc sơ lạc trong khoảng 2-3 phút âu đó chắt bỏ nước ra khỏi nồi. Bước này để chần sơ đậu cho sạch trước khi nấu chín.
Tiếp tục cho vào nồi lạc khoảng nửa lít nước cùng 1 thìa cà phê muối, bật bếp và tiến hành luộc lạc. Trong quá trình nấu, để lạc nhanh chín mềm thì bạn cần đậy kín nắp nồi luộc. Luộc lạc trong khoảng 10-15 phút, khi ăn thử thấy lạc đã chín mềm thì bạn vớt lạc ra rổ và để ráo nước nhé.
Bước 2: Làm bột bánh đúc
Bột bánh đúc lạc sẽ gồm bột khoai tây và bột gạo trộn đều cùng với nước lọc. Cách trộn bột bánh đúc như sau:
Chuẩn bị một chiếc âu sạch, thêm 125 gam bột gạo lọc cùng 125 gam bột khoai tây. Cho từ từ 500ml nước lọc vào hỗn hợp bột và khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp bột hòa quyện vào nhau. Bạn có thể rây bột trước khi trộn để hỗn hợp bột bánh được mịn hơn.
Sau khi trộn đều bột thì bạn để bột nghỉ trong khoảng 30 phút. Sau đó tiếp tục khuấy nhẹ lại hỗn hợp rồi cho từ từ phần nước vừa nấu lạc vào hỗn hợp bột khi nước còn nóng. Tiếp tục khuấy đều tay để hỗn hợp bột hòa quyện.
Bước 3: Cách nấu bánh đúc lạc
Tiếp đến bạn cho hỗn hợp bột bánh đúc vào nồi rồi đặt lên bếp, bật lửa vừa và để nấu bột. Tránh để bột bị khét và dính đáy nồi quá nhiều. Dùng phới dẹt hoặc đũa khuấy đều hỗn hợp bột liên lục. Khi quan sát bạn sẽ thấy có hơi bốc lên, bột ở đáy nồi hơi dính lại thì hạ mức lửa nhỏ hơn nữa.
Tiếp tục tục khuấy cho đến khi hỗn hợp bột trở nên mịn, đặc sánh lại. Lúc này, bạn tăng lửa lên một xíu rồi khuấy tiếp cho đến khi thật dẻo, nhấc đũa lên có thể kéo thành sợi và đứt chậm là đạt. Tiếp đến bạn cho vào một thìa dầu ăn vào hỗn hợp bột và khuấy tiếp cho bột sôi. Đến khi thấy hỗn hợp trở nên trong hơn, đặc nhưng dẻo, bạn cho lạc vào trộn thật đều và tắt bếp.
Dùng lá chuối lau sạch, khuôn hoặc tô để đổ hỗn hợp bột ra ngay khi còn nóng. Dàn đều lớp bột ra để có độ dày vừa phải và đều nhau. Để bánh đúc lạc nguội ở nhiệt độ phòng.
Đến đây là bạn đã hoàn thành cách làm bánh đúc lạc rồi, còn chuẩn bị thêm phần nước chấm nữa là hoàn hảo.
Bước 4: Làm nước chấm bánh đúc lạc
Bánh đúc lạc có thể chấm cùng mắm cáy hoặc tương bần tùy theo từng nơi và khẩu vị từng người. Dưới đây là công thức làm nước chấm bánh đúc lạc siêu ngon mà bạn có thể thử:
Chuẩn bị bát tô sạch, thêm 2 thìa cà phê tương bần, 3 thìa cà phê nước ấm vào tô, dùng đũa khuấy đều hỗn hợp. Tiếp đến bạn nêm thêm 1 thìa cà phê đường và 1 vài giọt nước chanh, trộn đều và nếm thử xem vừa khẩu vị nhé. Nếu muốn nước chấm có vị cay cay thì bạn có thể cho vào tương một chút ớt tươi cắt lát.
Bước 5: Thưởng thức món bánh đúc lạc
Bánh đúc lạc sau khi đã nguội hẳn thì bạn đem cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Bạn có thể chấm bánh với nước tương hoặc cắt nhỏ bánh cho vào chén rồi rưới nước tương lên đều được.
Với cách làm bánh đúc lạc này thành phẩm nhận được siêu ngon. Miếng bánh đúc lạc trắng núng nính, mềm mịn, vị thơm béo của bột kết hợp với vị bùi của đậu phộng chấm thêm tương bần tạo nên hương vị ngon tuyệt. Đảm bảo bạn sẽ ăn mà không cảm thấy bị ngán đâu.
Trên đây là cách làm bánh đúc lạc không cần sử dụng nước vôi trong, lại siêu dễ làm với những nguyên liệu quen thuộc. Cuối tuần hãy thử làm món bánh đúc lạc này để cả nhà cùng gợi nhớ lại kí ức ẩm thực từ món bánh siêu ngon này nhé.