Nếu là tín đồ của bánh mì chắc hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua món bánh mì hoa cúc. Vỏ bánh mì mềm mịn, ruột bánh thơm xốp, ngọt ngào vị bơ được nhiều người yêu thích. Vậy cùng học ngay cách làm bánh mì hoa cúc để có món ăn sáng ngon nhé! Đảm bảo với công thức này bạn sẽ có ngay những chiếc bánh thơm béo ngon không kém gì ngoài hàng đâu nhé!
Với thành phần chính là bột mì, bơ và vani nên bánh mì hoa cúc có hương thơm đặc trưng. Bánh được tạo nhiều hình dáng khác nhau nhưng kiểu thắt bím tóc là tạo hình phổ biến nhất. Sau khi nướng từng thớ bánh sẽ bung ra giống như những cánh hoa cúc. Bởi vậy nó được mang tên gọi bánh mì hoa cúc giống như với hình dáng. Bánh mì hoa cúc cũng không quá ngọt, ăn cùng một ly sữa hay cốc cà phê sẽ tạo nên một bữa sáng tuyệt vời. Nào cùng Bếp bánh Tiny bắt tay vào làm món bánh này nhé!
Nội dung bài viết
Nguyên liệu để làm bánh mì hoa cúc

Cách làm bánh mì hoa cúc không quá khó, nguyên liệu để làm bánh mì hoa cúc gồm:
- Bột mì: 250 gam
- Men nở instant: 4.5 gam
- Sữa tươi không đường: 60 ml
- Bơ lạt: 50 gam
- Vani: 5ml
- Trứng gà: 3 quả
- Đường, muối
- Hạt để trang trí: Hạnh nhân (lát), hạt vừng
- Dụng cụ chế biến: Nồi chiên không dầu, khuôn nướng bánh bát tô, thìa, giấy nến,…
Cách làm bánh mì hoa cúc
Bước 1: Trộn bột bánh
Chuẩn bị một bát tô, cho 50 gam bơ lạt, sữa tươi và đường vào bát. Đun cách thủy hỗn hợp và khuấy nhẹ để bơ và đường tan chảy, nguyên liệu hòa quyện lại với nhau.
Sau khi nguyên liệu đã tan chảy và quyện lại với nhau, tắt bếp và để hỗn hợp nguội khoảng 30- 35 độ C. Bạn dùng tay sờ vào bát thấy còn hơi ấm ấm thì cho men nở vào, như vậy men sẽ không bị chết khi trộn bột.
Đập 2 quả trứng vào một bát con, đánh đều trứng. Cho khoảng 75 gam trứng vừa đánh vào trong hỗn hợp bơ sữa trên, thêm vani, một chút muối tinh rồi trộn đều cho hỗn hợp quyện lại với nhau. Phần trứng còn lại bạn giữ lại để lát quét lên bề mặt bánh.
Bột mì bạn chia thành 2 phần, cho 1 phần bột mì vào bát và trộn đều cho nguyên liệu quyện lại với nhau, cho tiếp phần bột còn lại vào bát và trộn đều.
Bước 2: Nhào bột bánh
Để yên bột trong khoảng 10 đến 15 phút cho bột được ngấm đều, sau 15 phút bạn sờ thử vào bột, nếu bột vẫn còn rất ướt thì tiếp tục cho thêm bột mì. Khi cảm thấy bột có độ ẩm vừa phải và không dính tay thì dừng lại.

Để cho bột có độ dẻo, đàn hồi tốt bạn nên dùng tay để nhào bột trong khoảng 10 – 15 phút. Nhẹ nhàng nhào bột tới khi cảm thấy bột mịn, dẻo, có độ đàn hồi tốt là được.
Lưu ý nhỏ: Bạn có thể dùng máy trộn bột để giúp nhào bột nhanh chóng và hòa trộn đều bột hơn. Nếu sử dụng máy nhào bột bạn nên để tốc độ thấp trong thời gian khoảng 5 – 7 phút, khi nào cảm thấy bột chuyển thành khối mịn dẻo là được.
Bước 3: Ủ bột
Bạn cho bột vào một bát tô hoặc âu để ủ bột, trước khi cho bột vào âu bạn nên quét qua một lớp dầu ăn mỏng để bột đỡ dính vào thành bát.

Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng bát lại hoặc dùng miếng vải mỏng phủ kín lên tô bột. Để ủ bột trong khoảng 45- 60 phút ở nhiệt độ phòng, cho tới khi thấy bột nở gấp đôi. Nhiệt độ phòng càng ấm bột sẽ nở càng nhanh.
Khi bột đã nở gấp đôi bạn dùng tay ép cho hơi khí trong bột được thoát ra ngoài. Dùng tay nhồi bột nhẹ nhàng rồi tiếp tục cho vào tô, bọc kín rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh ủ lần 2 trong thời gian khoảng 90 phút tới khi bột nở chừng 1,5 đến 2 lần là được.
Xem thêm: Học ngay cách làm bánh mì bí đỏ siêu ngon tại nhà
Bước 4: Tạo hình hoa cúc
Lấy bột ra tiếp tục ép nhẹ cho khí trong bột thoát ra ngoài rồi nhồi nhẹ bột. Tiếp đến bạn chia bột thành 3 phần bằng nhau. Tạo thành 3 sợi dài với kích thước khoảng 30 cm, dài hơn so với độ dài của khuôn. Tiếp đến bạn tết 3 sợi bột này giống như hình bím tóc rồi xếp vào khuôn.

Để cho bánh khi chín dễ dàng lấy ra và không dính vào khuôn bạn nên quét một lớp bơ mỏng lên trên khắp lòng khuôn. Rắc thêm một ít bột mì khô vào khuôn, úp ngược và vỗ nhẹ khuôn cho phần bột mì thừa rơi xuống.
Sau khi cho bột vào khuôn bạn đậy khăn ẩm và để ở nhiệt độ phòng cho bột nở thêm khoảng 80% là được.
Bước 5: Nướng bánh
Bạn hòa phần trứng thừa vừa đánh ở trên với một chút nước. Dùng chổi quét dầu quét một lớp trứng mỏng lên bề mặt bánh, rắc thêm một chút hạnh nhân lát hoặc mè lên bề mặt bánh.
Bạn cho bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 175 độ C trong khoảng thời gian 25-30 phút, đừng nướng quá lâu có thể khiến bánh bị khô hoặc sém mặt trên bánh.

Nếu nhà không có lò nướng bạn có thể thay thế làm bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu. Riêng với nồi chiên không dầu bạn cần làm nóng nồi trong khoảng 10 phút ở nhiệt độ 155 độ C. Tiếp đến mới cho bánh vào nướng trong khoảng 20-22 phút cũng ở nhiệt độ này.
Sau khi bánh chín lấy bánh ra khỏi khuôn và để nguội. Trong lúc bánh còn nóng bạn có thể quét thêm một lớp bơ chảy hoặc sữa tươi lên bề mặt để giúp bánh giữ được độ ẩm, bớt khô hơn.
Thành phẩm bánh mì hoa cúc
Bánh mì hoa cúc có hình dáng đặc trưng, vở bánh chín vàng nhìn rất bắt mắt. Ruột bánh mềm thơm, béo ngậy, mùi bơ sữa thơm rất hấp dẫn.
Dùng cùng trà hoặc sữa tươi là bạn đã có ngay một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng bên gia đình.
Tham khảo: Cách làm bánh mì đặc ruột ngon giòn xốp ngay tại nhà
Cách để bảo quản bánh mì hoa cúc

Bánh mì hoa cúc sau khi để nguội bạn nên cho vào túi nilon kín hoặc họp có nắp để bảo quản. Với nhiệt độ phòng bạn có thể để được bánh trong 2 đến 3 ngày. Nếu làm nhiều bạn có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn đem nướng lại bánh 5-7 phút là đã có ngay thành phẩm bánh mì hoa cúc thơm ngon nóng hổi như vừa ra lò.
Bánh mì hoa cúc thơm ngon ăn lại không bị ngán, rất phù hợp cho bữa sáng. Thử trổ tài vào bếp với cách làm bánh mì hoa cúc tại nhà đơn giản mà Bếp bánh Tiny chia sẻ để có ngay món ăn sáng cho gia đình bạn nhé! Xem thêm nhiều hơn các công thức làm bánh ngon trên blog của mình nha.