Bánh Trung Thu là một món bánh đặc trưng, không thể thiếu mỗi dịp rằm tháng Tám. Nhưng không cần đợi đến rằm Trung Thu mới được ăn món bánh này mà bạn có thể làm ngay những chiếc bánh thơm ngon và thưởng thức với cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thông siêu dễ dưới đây.
Có rất nhiều công thức bánh trung thu với nhiều vị nhân khác nhau thơm ngon nhưng bánh trung thu nhân thập cẩm vẫn là hương vị truyền thống được nhiều người lựa chọn. Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm sẽ cầu kỳ hơn so với cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh hay cách làm bánh trung thu trứng chảy. Nhưng hương vị ngọt ngào, thơm bùi của món bánh này sẽ khiến bạn cảm thấy công sức mình bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng. Bắt tay vào học cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm ngay bạn nhé!
Nội dung bài viết
Nguyên liệu chuẩn bị làm bánh trung thu nhân thập cẩm
Để làm bánh trung thu nhân thập cẩm được ngon nhất thì nguyên liệu sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Lựa chọn nguyên liệu ngon sẽ giúp thành phẩm bánh của bạn có chất lượng tuyệt nhất. Nguyên liệu làm bánh trung thu nhân thập cẩm sẽ bao gồm nguyên liệu làm lớp vỏ bánh, nguyên liệu làm phần nhân thập cẩm và cả hỗn hợp để phết lớp vỏ bánh được căng bóng, vàng đều. Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị để làm bánh trung thu sẽ bao gồm:
Nguyên liệu làm vỏ bánh trung thu
- Bột mì: 300 gam
- Dầu ăn: 50 ml
- Nước đường dùng để làm bánh nướng: 200 ml
- Baking soda: ¼ thìa cà phê
- Nước tro tàu: ½ thìa cà phê
- Lòng đỏ trứng gà: 1 quả
Nguyên liệu làm nhân thập cẩm
- Mứt bí: 50 gam
- Hạt sen: 50 gam
- Hạt dưa: 50 gam
- Hạt điều: 50 gam
- Lạp xưởng: 40 gam
- Vừng trắng rang: 50 gam
- Lá chanh: 8 – 10 lá
- Bột bánh dẻo: 100 gam
- Nước đường: 100 ml
- Mỡ đường: 50 gam
Nguyên liệu làm nước đường làm bánh nướng:
- Đường vàng: 1 kg
- Nước lọc: 600 ml
- Nước tro tàu: 5 ml
- Chanh tươi: 1 quả
- Mạch nha: 50 gam
Nguyên liệu làm hỗn hợp phết lên mặt bánh
- Lòng đỏ trứng gà: 2 quả
- Trứng vịt: 1 quả
- Dầu mè: 2 ml
Bạn trộn đều tất cả các nguyên liệu này lại với nhau để lát quét lên mặt bánh giúp bánh lên màu đẹp hơn.
Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm siêu dễ
Cách làm nước đường làm bánh nướng
Bạn chuẩn bị một chiếc nồi sạch, hòa tan đường với nước lọc. Thêm nước cốt chanh vào nồi rồi bắc nồi nước đường lên bếp. Đun hỗn hợp tới khi sôi lăn tăn, sau đó bạn hạ mức lửa nhỏ đun tiếp hỗn hợp trong khoảng 30 phút nữa.
Tiếp đến bạn cho vào nồi nước mạch nha và nước tro tàu đã hòa loãng, tiếp tục đun thêm 30 phút nữa rồi tắt bếp.
Để xem nước đường làm bánh đã đạt chuẩn chưa bạn nhỏ 1 giọt nước đường vừa đun vào một bát nước lọc. Nếu giọt nước đường rơi chạm đáy bát rồi loang rộng ra khắp bát là nước đường đã đạt tiêu chuẩn. Nước đường làm bánh nướng để càng lâu khi làm bánh sẽ lên màu càng đẹp. Bạn có thể chuẩn bị trước khi làm bánh từ 1-2 tháng.
Cách làm vỏ bánh trung thu nhân thập cẩm
Với cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống thì phần vỏ bánh rất quan trọng. Vỏ bánh phải đảm bảo có độ mềm vừa phải, thơm ngon, không quá mềm hay dễ vỡ nát. Để nhào vỏ bánh trung thu đạt chuẩn nhất bạn áp dụng công thức dưới đây:
Cho 300 gam bột mì, 200 ml nước đường nâu vừa nấu, 80 ml dầu ăn, thêm 1 thìa cà phê nước tro tàu vào một tô lớn. Tiến hành trộn đều các nguyên liệu này lại với nhau tới khi nguyên liệu có độ kết dính. Bạn dùng tay nhào bột thật đều tay và nhanh tới khi khối bột thật mịn. Để bột ủ trong khoảng 30 phút tới 1 tiếng ở nơi thoáng mát.
Cách làm nhân thập cẩm bánh trung thu
Chuẩn bị một bát tô lớn, cho hạt dưa, hạt sen, hạt điều, mứt bí, lạp xưởng cắt hạt lựu vào bát tô rồi trộn đều hỗn hợp. Cho tất cả nguyên liệu này vào máy xay, xay qua một lượt cho các nguyên liệu hòa quyện với nhau. Tiếp tục cho mè trắng, mỡ đường, lá chanh thái nhỏ bột bánh dẻo và nước đường vào tô tiếp tục tiến hành trộn đều nguyên liệu.
Vo nguyên liệu nhân bánh thành từng khối tròn, có khối lượng bằng khoảng bằng ⅔ khối lượng chiếc bánh nướng của bạn. Ví dụ như bánh của bạn có khối lượng 150 gam thì phần nhân bánh sẽ có khối lượng 100 gam và phần vỏ là 50 gam.
Tham khảo: Các công thức bánh ngon mỗi ngày tại đây
Ép khuôn bánh trung thu
Phần bột bánh sau khi ủ xong bạn tiến hành chia bột thành từng khối bằng nhau, có khối lượng bằng ⅓ khối lượng chiếc bánh trung thu của bạn. Như đã chia sẻ ở trên nếu bánh của bạn nặng tầm 150 gam thì vỏ bánh sẽ là 50 gam.
Bạn dùng cây cán bột tiến hành cán dẹt khối bột mỏng rồi cho nhân thập cẩm vào giữa bột. Túm kín mép bột lại cho bao kín phần nhân thập cẩm. Quét một lớp dầu ăn mỏng vào trong khuôn bánh để lát lấy bánh ra dễ hơn. Bạn cho bánh vào trong khuôn, ấn khối bột để họa tiết của khuôn in đều lên mặt bánh được sắc nét nhất.
Nướng bánh trung thu
Bạn bật lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trước trong 10 phút để ổn định nhiệt trong lò.
Xếp bánh nướng vào khay, rồi cho bánh vào nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong thời gian 10 phút. Bạn lấy khay bánh ra khỏi lò, xịt một chút nước cho bánh bớt khô. Quét thêm một lớp hỗn hợp phết bánh lên mặt bánh rồi cho bánh vào nướng tiếp 10 phút. Thực hiện nướng khoảng 3 lần là bánh nướng đã chín.
Cách bảo quản bánh trung thu thập cẩm
Bánh sau khi nướng xong cần được để nguội hoàn toàn trước khi đóng bao bì. Ngoài ra nên sử dụng gói hút ẩm để bảo quản bánh an toàn hơn.
Để bảo quản bánh trung thu tự làm được lâu nhất bạn cần cho bánh vào túi kín. Rút hết không khí bên trong túi bánh hoặc bỏ thêm gói hút ẩm vào bên trong rồi đóng túi thật kín để tránh bánh tiếp xúc với không khí và hơi nước khiến bánh bị mốc nhanh hơn. Bánh trung thu tự làm bạn có thể sử dụng được trong vòng 1 tuần với nhiệt độ thường.
Bạn có thể để bánh trong ngăn mát tủ lạnh, còn với ngăn đá thời gian bảo quản có thể lên tới 1 tháng. Tuy nhiên lúc này bạn cần rã đông và nướng lại bánh. Tất nhiên bánh của bạn sẽ không được ngon như lúc ban đầu nữa.
Một số lưu ý để làm bánh Trung thu thập cẩm ngon
Cách làm bánh trung thu thập cẩm không quá phức tạp. Tuy nhiên để thành phẩm bánh trung thu được thơm ngon và đẹp mắt nhất bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Nếu có dầu đậu phộng bạn nên ưu tiên lựa chọn để bánh trung thu thập cẩm có hương vị thơm ngậy hơn so với dầu ăn thông thường nhé.
- Sau khi trộn bột vỏ bánh bạn nên để cho bột có thời gian nghỉ vừa đủ. Như vậy bột sẽ hấp thụ đủ nước đường giúp vỏ bánh mềm dẻo và dễ cán bột hơn.
- Khi quét hỗn hợp phết bánh lên mặt bánh bạn cần đợi cho bánh nguội đã. Bởi nếu vừa lấy ra khỏi lò, bánh còn nóng sẽ khiến cho trứng của bạn bị chín và làm lớp vỏ bánh bị lợn cợn. Bạn chỉ nên quét một lớp mỏng thôi nhé.
- Bánh trung thu sau khi nướng xong sẽ vẫn còn khá mềm. Bạn nên để bánh nguội qua đêm rồi thưởng thức bánh vào ngày hôm sau. Bánh sẽ có độ mềm, thơm ngon vừa phải.
Trên đây là cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm tại nhà đơn giản cũng như một số lưu ý giúp món bánh của bạn trở nên dễ dàng hơn. Cùng bắt tay vào làm những chiếc bánh trung thu nhân thập cẩm truyền thống siêu ngon để gia đình cùng đón Tết Trung Thu ấm cúng nhé! Khám phá nhiều hơn các công thức bánh ngon trên Bếp bánh Tiny mỗi ngày nhé!